Những lo lắng về mặt kính Cong - Có nên mua đồng hồ Kính Cong không?

Đồng hồ kính cong (kính mo) đang dần dần hồi sinh trở lại. Cùng với vẻ đẹp cổ điển, chúng còn có thể chịu lực cực tốt, khó bị rạn nứt hơn nhiều so với các loại kính phẳng khi vô tình va đập. Không dừng lại đó, kính cong còn một số “tài lẻ” bất ngờ ít người biết sẽ được bật mí sau đây.

ĐỒNG HỒ KÍNH CONG CÓ DỄ VỠ?

Câu trả lời là KHÔNG, nếu so với các loại kính phẳng. Chịu va đập chính là một trong những công dụng quan trọng nhất của kính cong, bên cạnh vẻ đẹp cực kỳ ấn tượng mà chúng ta vẫn thường biết.

Nếu ở cùng một độ dày, chất liệu kính, lực va đập, chắc chắn, một mặt kính phẳng luôn có khả năng chịu va đập kém hơn và dễ vỡ hơn mặt kính cong.

Vậy, tại sao kính cong chịu được va đập dù có vẻ ngoài mang đến cảm giác dễ vỡ, sứt mẻ ?

Fouette OR-LOVE, một chiếc đồng hồ kính cong vòm cao để khán giả có thể thấy được màn trình diễn ba lê của tượng vũ công bằng kim loại quý

 

Câu trả lời rất đơn giản. Cong lồi/vòm là hình dạng chịu lực tốt nhất, không có bất cứ chỗ nào đặc biệt yếu cả. Sự cong lồi khiến cho lực tác động lên bất cứ điểm nào sẽ bị phân tán đồng đều ra khắp nơi và tán ra bớt ra ngoài môi trường xung quanh, tránh được đáng kể sự tập trung “ứng lực”.

Ngược lại, mặt kính phẳng sẽ dễ dàng bị hủy hoại khi gặp lực tác động vuông góc vào bất cứ điểm nào. Mặt phẳng ít chia lực cho các các nơi khác, hơn nữa, do phần tiếp xúc môi trường ít hơn, chúng cũng có khả năng tán lực thấp hơn, bị hủy hoại bởi sự tập trung “ứng lực”.

Đó là lý do mà những thiết kế tàu ngầm, nhà chống động đất, các cây cầu, … đều có những mặt cong vòm. Hay ví dụ kinh điển trong ngành đồng hồ là thiết kế huyền thoại Omega Speedmaster, Seiko Tuna, Orient Bambino, Seiko Presage … đều sử dụng kính cong để có khả năng chịu đựng được các khắt nghiệt trong vũ trụ, đáy đại dương.

Phân biệt các hình dạng kính đồng hồ

Bởi vậy, nếu sở hữu hoặc đang có ý định mua một chiếc đồng hồ kính cong, đừng lo ngại về việc chúng có dễ vỡ. Cứ an tâm thưởng thức vẻ đẹp và những giá trị mà loại kính này mang đến.

“Kính cong, kính vòm hay thường được những người thợ đồng hồ gọi là “kính mo”, xuất hiện trên đồng hồ đeo tay sớm từ thập niên 20 của thế kỷ 20. Kính cong có hai dạng chính: cong thường (tâm kính nhô cao), vòm (mép kính nhô cao, hầu hết đồng hồ đeo tay sản xuất trong thời gian 1920-1970 đều là dạng này).” 

ĐỒNG HỒ KÍNH CONG DỄ BỊ TRẦY, XƯỚC, SỨT MẺ?

Câu trả lời là tùy vào CHẤT LIỆU. Những năm 80 trở về trước, 99% đồng hồ đeo tay đều là kính nhựa Acrylic (hay còn gọi là Plexiglas) dạng cong. Thời này, chi phí để chế tạo kính cong vòm bằng thủy tinh, sapphire chưa có hoặc rất đắt đỏ, phức tạp. Vì thế cho nên kính cong được làm bằng nhựa, độ cứng thấp, rất dễ dàng trầy xước.

Những năm 2000 về sau, phần lớn kính cong đều được bằng thủy tinh cường lực (còn gọi là kính khoáng, kính cứng, mineral crystal) hoặc kính tinh thể sapphire có độ cứng cao hơn nhựa rất nhiều nên khó trầy hơn.

Đặc biệt, kính cong bằng tinh thể Sapphire, gần như không thể trầy, tất nhiên, giá rất cao do sản xuất khó khăn. Trong đó, kính sapphire cong vòm sẽ đắt hơn kính sapphire cong thường rất nhiều lần.

Nhìn chung, kính cong có dễ bị trầy hay không tùy thuộc vào chất liệu:

  • Bằng nhựa: rất dễ trầy nhưng dễ dàng đánh bóng với chi phí thấp. Loại này thường chỉ có trên đồng hồ giá rẻ hoặc đồng hồ cổ.
  • Bằng thủy tinh cường lực: khó trầy (dễ trầy hơn kính phẳng), khó đánh bóng do hình dạng cong. Thường gặp trên đồng hồ tầm trung.
  • Bằng tinh thể Sapphire:chống trầy, gần như không thể đánh bóng. Phổ biến trên đồng hồ cao cấp, đồng hồ lặn, đồng hồ yêu cầu khả năng chịu áp lực cực lớn.

NHỮNG KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT CỦA ĐỒNG HỒ KÍNH CONG CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

Đặc tính của mặt kính cong đó chính là tạo ra một không gian bao phủ lớn, sự trong suốt, tạo các hiệu ứng quang học độc đáo. Bởi thế, loại kính này có thể:

 – LÀM ĐỒNG HỒ TRÔNG MỎNG HƠN

Phần lớn kính cong trên đồng hồ là loại cong hai mặt (“trên lồi dưới lõm”, “mép thấp tâm cao”), nhờ vậy, chúng có thể “ăn gian” độ dày nhìn thấy được của khung vỏ.

Với kính cong 2 mặt, khung vỏ chỉ cao hơn mặt số một ít (thay vì cao hơn kim như bình thường), kính cong 2 mặt sẽ đảm nhận “trọng trách” bù đắp cho phần độ dày bị “hụt” này.

Do phần mép mỏng, kính vốn trong suốt, dù độ dày tổng thể của đồng hồ không thay đổi, ta sẽ có 2 kết quả:

 ✔  Phần mép của khung vỏ đồng hồ mỏng hơn bình thường mang lại sự thanh mảnh thực sự. Đây là sự “thanh mảnh thực”.

 ✔  Phần kính thay thế khung vỏ là trong suốt được nên cứ như nó không tồn tại, mang lại cảm giác mỏng hơn. Đây là sự “thanh mảnh ảo”.

Chính bởi công dụng mang lại sự thanh mảnh “thực” lẫn “ảo” cho đồng hồ, kính cong đã tồn tại suốt từ năm 1920 đến 1980. Thời đại này là lúc mà càng mỏng thì càng đẳng cấp, đồng hồ đeo tay cổ tại Việt Nam chính là điển hình trong số đó.

Tuy nhiên, với máy quartz mỏng và nhỏ, người ta không quá cần đến khả năng này của kính cong. Nhu cầu về tính năng này đã bị giảm đi trong thời gian 1980 – 2010. Nhưng, nhiều năm trở lại đây, đồng hồ cơ đang lần nữa phát triển mạnh mẽ, đặc điểm này đã trở lại.

Sự thu hẹp của đồng hồ kính cong trong những năm 1980-2010 không bao giờ là vì vẻ đẹp của chúng hết thời. Chính sự thay thế vật liệu làm kính đã gây ra điều đó. Người ta thích khả năng chống chịu trầy xước của tinh thể Sapphire và thủy tinh cường lực hơn nhựa Acrylic, tuy nhiên, chi phí để làm chúng “cong” thì rất cao. Khoảng năm 2010, giá thành mới dần giảm xuống.

 – TẠO HIỆU ỨNG UỐN CONG KIM ĐỂ ĐỌC THỜI GIAN CHÍNH XÁC HƠN

Đây là khả năng riêng của những chiếc đồng hồ kính cong vòm (cong nhiều ở mép) và cũng được xem là đặc trưng của đồng hồ đeo tay cổ xưa.

Mép kính vốn bị uốn cong sẽ tạo hiệu ứng bẻ cong mũi kim sát xuống các cọc số. Kết quả là khoảng cách giữa kim giờ và kim phút đến các cọc số bị rút nhỏ, cho phép vđọc thời gian chính xác hơn ở góc nghiêng.

Có thể nói, lý do kính vòm có thể phổ biến trong hàng chục năm về trước, ngoài việc mang đến sự thanh mảnh, còn có phần không nhỏ của hiệu ứng uốn cong kim.

Trong ảnh chính là hiệu ứng uốn cong kim, mũi kim trông cứ như chạm sát cọc số.

 

 – TẠO KHÔNG GIAN CHO CHỨC NĂNG “TRÌNH DIỄN”

Hãy nhìn vào các siêu phẩm như MB & F Legacy Machine 1, Montblanc Tourbillon Cylindrique Geosphères Vasco da Gama, Jacob and Co Astronomia Solar, Christophe Claret Maestro, Deep Space Tourbillon,… sự trong suốt và độ cong vòm của mặt kính đang được lợi dụng để bạn có thể thấy được các chức năng đang hoạt động.

Trong suốt dưới nhiều góc độ khác nhau, lớp kính cong vòm siêu cao chắc chắn là lựa chọn lý tưởng cho những chiếc đồng hồ khắp nơi đều là nghệ thuật biểu diễn này. Đây là thứ mà mặt kính phẳng khó lòng bao giờ làm được.

Ngoài ra, mặt kính cong (vòm) còn có thêm đặc tính khác là giúp đọc thời gian dưới nước tốt hơn. Tuy nhiên, nếu ở trên bờ hoặc ở nơi có ánh sáng quá chói như bể bơi, biển , mặt kính cong không phải là lựa chọn giúp đọc thời gian dễ hơn do biến dạng lớn, dễ gây chói mặt số (nếu không có lớp phủ chống phản chiếu).

Khám phá thêm về đồng hồ kính cong

 

CÁC THƯƠNG HIỆU ĐỒNG HỒ KÍNH CONG NỔI TIẾNG VIỆT NAM

◆   Tại Việt Nam hiện nay, đồng hồ kính cong trên đều có thể dễ dàng tìm kiếm ở những tên tuổi lớn, danh tiếng, nhiều mức giá như Omega, Doxa, Tissot, Longines, Seiko, Orient, Frederique Constant, Fossil, OP…

◆   Về giá, kính được làm bằng Sapphire (từ 15 triệu trở lên) sẽ đắt tiền hơn Mineral crystal (từ 4 triệu trở lên). Phần lớn các sản phẩm đều sử dụng kính cong thường, tức nhô cao ở tâm kính. Loại này có nhiều ưu điểm, tối ưu đồng thời cho khả năng chịu va đập và chịu trầy xước.

◆   Phần lớn sản phẩm Thụy Sĩ cao cấp từ Doxa hay Longines, Frederique Constant, Tissot, …có mức giá bắt đầu từ 25 triệu trở lên sẽ được trang bị loại kính cong này. Tất nhiên, tất cả đều được làm từ Sapphire.

◆   Cũng loại kính cong thường, bằng Mineral crystal Orient, OP sẽ là lựa chọn tuyệt hảo. Họ chuyên cung cấp những chiếc đồng hồ hoài cổ, chất lượng, với giá phải chăng chỉ từ 4-5 triệu. 

◆   Các sản phẩm kính vòm (cong ở mép kính hoặc có vòm rất cao) ít gặp hơn, thường phổ biến trên đồng hồ cổ điển, đồng hồ lặn, đồng hồ “trình diễn”. Loại này tối ưu hơn về khả năng chịu va đập nhưng có khả năng bị trầy xước cao hơn loại cong thường (nếu không được làm bằng sapphire).

◆   Ở mức giá phải chăng, Orient với các Bambino, Caballero đang được xem là dẫn đầu phân khúc tầm trung giá rẻ. Chúng sở hữu mặt kính cong vòm bằng mineral crystal, thiết kế theo phong cách cổ điển. Loạt Seiko Presage sẽ là mảnh ghép hoàn hảo cho người tìm kiếm sản phẩm cao cấp hơn.

◆   Riêng kính Sapphire cong vòm thì sẽ có giá rất cao, thường chỉ có ở đồng hồ giá trên 3000USD (khoảng 70 triệu). Nguyên nhân là vì tinh thể Sapphire rất khó để chế tác thành hình vòm (người ta phải mài chứ không thể cắt hay đúc), hao tốn nguyên liệu, thời gian.

KẾT LUẬN: CÓ NÊN MUA ĐỒNG HỒ MẶT KÍNH CONG KHÔNG?

Tổng hợp, ta sẽ có một số “đúc kết” ưu nhược điểm của kính cong như sau:

Ưu điểm

  • Chịu va đập khi dùng hằng ngày
  • Mang đến cảm giác mỏng hơn
  • Vẻ đẹp “uốn cong” dưới lớp kính
  • Phong cách cổ điển do được lấy cảm hứng từ đồng hồ đeo tay cổ thập niên 70 trở về trước

Nhược điểm

  • Vẫn vỡ nếu cố ý đập, va chạm mạnh
  • Có thể trầy nếu không phải là sapphire
  • Đắt tiền hơn kính phẳng thông thường
  • Khó đọc dưới ánh sáng chói nếu không có lớp phủ chống phản chiếu


Seiko Presage SSA347J1 kính cong vòm bằng thủy tinh cường lực độc quyền (Hardlex Crystal), mép kính đang nhẹ nhàng bắt lấy những tia sáng mà nó tiếp xúc

Bây giờ thì hẳn chúng ta đã không phải lo ngại vấn đề kính cong liệu có dễ vỡ rồi đúng không? So với kính phẳng, kính cong luôn có khả năng chịu lực va đập tốt hơn, đồng hồ kính cong không hề dễ vỡ, đặc biệt là các loại làm bằng Mineral Crystal.

Còn về khía cạnh chống trầy, kính cong sẽ có khả năng trầy xước cao hơn kính phẳng do nó có nhiều mặt tiếp xúc hơn. Dù vậy, nếu bạn lựa chọn chất liệu kính là Sapphire thì hoàn toàn có thể an tâm về khả năng chống trầy.

Cuối cùng, nếu bạn đang cần một chiếc đồng hồ mà vẻ đẹp của nó phải là thứ đầu tiên được nhắc đến, hãy chọn kính cong. Đó là một vẻ đẹp tuyệt sắc, khiến tất cả mọi người phải yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. 




Bài viết cũ hơn Bài Viết Mới